An toàn sinh học là các biện pháp kỹ thuật được sử dụng trong chăn nuôi để hạn chế và ngăn ngừa sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học gây hại đến vật nuôi, con người và hệ sinh thái. Các tác nhân này có thể xuất hiện tự nhiên hoặc do chính con người tạo ra. Vậy chăn nuôi heo an toàn sinh học cần những điều kiện gì? Cùng BCC Nutrition tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Địa điểm, vị trí trong chăn nuôi heo an toàn sinh học
– Trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học cần được xây dựng ở vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Hoặc đã được cơ quan thẩm quyền cho phép.
– Khoảng cách từ trang trại đến nguồn nước mặt, các khu vực công cộng (bệnh viện, trường học), khu dân cư, đường giao thông chính,… cần tối thiểu là 100m. Còn khoảng cách từ trang trại đến các khu nhà máy chế biến, chợ buôn bán lợn, khu giết mổ lợn cần tối thiểu là 1 km.
– Vị trí xây dựng trang trại cần có đủ nguồn nước sạch. Đặc biệt là cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
Các yêu cầu về chuồng trại
– Trang trại cần có hàng rào bao quanh hoặc tường chắn để kiểm soát động vật và người ra vào trại. Tại vị trí cổng ra vào, lối ra mỗi dãy chuồng nuôi cần được bố trí thêm hố khử trùng.
– Cần tách biệt các khu: chăn nuôi, vệ sinh, khu khử trùng, khu cách ly, khu khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm, khu tập kết và xử lý chất thải,….
– Chuồng nuôi chăn nuôi heo an toàn sinh học cần được bố trí về kiểu dáng, kích thước, hướng, khoảng cách phù hợp với các quy định hiện hành về chuồng trại. Nền chuồng không được trơn trượt, độ dốc khoảng 3-5% so với nền chuồng, có rãnh thoát nước. Vách chuồng nhẵn, không có góc sắc cạnh. Mái chuồng trại không bị dột nước khi trời mưa.
– Đường thoát nước thải phải kín, đảm bảo nước thoát dễ và tránh xa các đường thoát nước khác.
– Các dụng cụ cho ăn, uống cần đảm bảo không gây độc, vệ sinh dễ dàng. Các dụng cụ khác như xẻng, xô,… cũng cần được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng.
– Kho dự trữ thức ăn, thiết bị, thuốc thú y,… cần đảm bảo thông thoáng, không bị ẩm thấp, dễ dàng vệ sinh và tiêu độc khử trùng.
Các yêu cầu về con giống
Heo giống khi mua về phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ giấy tờ kiểm dịch và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Đàn heo mới nhập về cần tách riêng với đàn hiện có 1 thời gian theo quy định.
Cơ sở cung cấp heo giống phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. Và kiểm tra con giống sẽ có đúng với tiêu chuẩn đã công bố hay chưa.
Heo giống cũng cần được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT hiện hành.
Yêu cầu về thức ăn, nước uống
– Thức ăn sử dụng trong chăn nuôi heo an toàn sinh học cần đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn về chất lượng cũng như khẩu phần ăn của từng loại heo.
– Tránh sử dụng thức ăn thừa của đàn đã xuất chuồng hay đàn bị dịch cho đàn heo mới.
– Dụng cụ, bao bì chứa thức ăn của đàn lợn bị dịch trước đó cần phải được khử trùng, tiêu độc trước khi sử dụng cho đàn mới.
– Nếu phải trộn thuốc hay hóa chất vào nước uống, thức ăn để trị bệnh, phòng bệnh thì cần tuân thủ thời gian ngưng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt là không được sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.
Yêu cầu về vệ sinh, thú y
– Cổng ra vào trại chăn nuôi heo an toàn sinh học cần có hố sát trùng. Các chất sát trùng tại đây cần được bổ sung hoặc thay mới hàng ngày.
– Các phương tiện ra vào trại cần đi qua hố khử trùng và được phun thuốc sát trùng. Người nuôi khi vào trại cần thay quần áo bảo hộ của trại. Cần bước qua hố khử trùng trước khi vào chuồng nuôi.
– Phun thuốc sát trùng định kỳ quanh khu chăn nuôi.
– Tránh vận chuyển heo, chất thải, thức ăn trên cùng 1 phương tiện. Trước và sau khi vận chuyển cần thực hiện sát trùng.
– Vệ sinh máng ăn, uống thường xuyên, hàng ngày.
– Thực hiện đúng các quy định về tiêm phòng. Nếu trại có dịch cần thực hiện đầy đủ các quy định về chống dịch hiện hành.
– Cần khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi tối thiểu 7 ngày trước khi nhập đàn heo mới vào. Nếu xử lý trại sau khi dịch thì cần để trống ít nhất là 21 ngày.
Yêu cầu về xử lý chất thải trong chăn nuôi heo an toàn sinh học
– Các trại chăn nuôi heo an toàn sinh học cần có hệ thống xử lý chất thải.
– Chất thải rắn sau khi thu gom cần được xử lý bằng nhiệt hoặc hóa chất hoặc chế phẩm sinh học phù hợp. Cần thu gom hàng ngày và trước khi đưa ra ngoài cần được xử lý để đảm bảo vệ sinh.
– Chất thải lỏng cần được dẫn trực tiếp từ chuồng trại đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng cũng cần được xử lý bằng phương pháp hóa học hoặc sinh học phù hợp. Trước khi thải ra môi trường, nước thải cần được xử lý và đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
Hy vọng bài viết của BCC Nutrition mang đến đã giúp bà con hiểu hơn về chăn nuôi heo an toàn sinh học. Từ đó sẽ có cách thực hiện đúng đắn.
Nếu trong quá trình chăn nuôi cần tư vấn để chế độ dinh dưỡng, thức ăn cho vật nuôi, bà con có thể liên hệ BCC Nutrition để được tư vấn miễn phí nhé.
BCC Nutrition – Vi sinh Việt cho người nuôi Việt