Nhiều năm qua, người dân huyện Lắk (Đắk Lắk) chủ yếu chăn nuôi gia cầm theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, chưa quan tâm đến khâu vệ sinh thú y, phòng trị bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, với quy mô 600 con cho 5 hộ dân tại thị trấn Liên Sơn và xã Buôn Tría.
Những hộ chăn nuôi có đủ điều kiện về đất đai, chuồng trại và vốn đối ứng theo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật của mô hình sẽ được lựa chọn thí điểm thực hiện. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2023, các hộ tham gia được hỗ trợ 70% tiền con giống, vật tư (thức ăn, vắc xin, thuốc sát trùng…), được hướng dẫn quy trình kỹ thuật về chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà theo hướng an toàn sinh học. Giống gà thực hiện mô hình là gà lai chọi đã được tuyển lựa kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng tốt.
Sau hơn ba tháng triển khai, mô hình đã được nghiệm thu với kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ gà nuôi sống đạt trên 94%, trọng lượng trung bình đạt từ 1,6 – 2,5 kg/con. Với giá bán 80 nghìn đồng/kg, dự kiến tổng số tiền thu được từ mô hình gần 113 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 35,4 triệu đồng, bình quân mỗi hộ có thể thu về khoảng 5 – 8 triệu đồng. Mô hình đã bước đầu giúp bà con thay đổi tư duy chăn nuôi, mang lại hiệu quả tích cực.
Trước kia, gia đình bà Trần Thị Lanh (thôn Đông Giang, xã Buôn Tría) nuôi gà theo hình thức truyền thống, do không được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nên hiệu quả không cao. Trong quá trình nuôi, tỷ lệ gà chết lên đến khoảng 30 – 40% và nuôi trong thời gian khoảng 6 tháng mới có thể xuất chuồng, chưa kể có thời điểm giá cám tăng cao, dịch bệnh liên tiếp xảy ra cùng với giá gà xuống thấp khiến gia đình bà phải chịu cảnh thua lỗ.
Gia đình bà được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 100 con gà giống thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trong quá trình nuôi, tùy từng giai đoạn phát triển mà bà cho gà ăn loại thức ăn phù hợp; ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp, cám… còn bổ sung thêm các loại khác như cỏ, cây chuối… Bên cạnh đó, bà cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tạo không gian sạch sẽ và sử dụng các loại thuốc phòng bệnh kịp thời.
Bà Lanh cho hay: “So với cách nuôi gà truyền thống thì nuôi theo hướng an toàn sinh học có tỷ lệ gà chết rất thấp, chỉ từ 3 – 5%. Đàn gà nhanh lớn giúp tiết kiệm được thời gian nuôi, giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi nên thu nhập sẽ cao hơn khoảng 30%. Hiện tại, đàn gà của gia đình tôi đã đạt trọng lượng 1,8 – 2,4 kg/con, dự kiến sẽ xuất bán trên 1,8 tạ. Sau khi trừ chi phí, gia đình sẽ thu được khoảng 7 triệu đồng. Thời gian tới, dù không được hỗ trợ nữa nhưng gia đình tôi vẫn sẽ tiếp tục chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học”.
Cũng tham gia mô hình, anh Nguyễn Công Thịnh (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría) cho hay, so với nuôi gà truyền thống trước kia thì nuôi theo hướng an toàn sinh học, gà sau một tháng tuổi sẽ có tỷ lệ sống gần như tuyệt đối. “Chăn nuôi gà theo hình thức an toàn sinh học mang lại độ an toàn gần như tuyệt đối, gà sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên giá bán sẽ cao hơn các loại gà được nuôi theo kiểu công nghiệp hay truyền thống. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao cần nuôi với số lượng lớn từ 400 – 500 con trở lên.
Thế nhưng, hiện tại ở địa phương chỉ có thương lái thu mua nhỏ lẻ, mỗi lần xuất bán chỉ được từ 5 – 7 con nên mặc dù rất muốn nuôi số lượng lớn nhưng tôi lại sợ không có đầu ra”, anh Thịnh chia sẻ.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lắk kiểm tra mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Công Thịnh (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría).
Ông Lý Văn Tuân, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lắk cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi, đầu tư, chăm sóc của người dân địa phương. Mô hình vừa giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; vừa giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang hướng bán công nghiệp, công nghiệp để kinh doanh.
Tuy nhiên hiện nay thị trường tiêu thụ gà thịt tại địa phương còn nhỏ lẻ khiến người chăn nuôi gặp khó về đầu ra. Do đó, để nhân rộng mô hình cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trong việc tìm kiếm thị trường, xây dựng phương thức chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nguồn: Báo Đắk Lắk